Nhận thấy việc trồng lúa không mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân ở tỉnh Vĩnh Long đã chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng đậu nành rau. Mô hình này được xem là hướng đi mới, giúp người dân có thu nhập ổn định, hiệu quả kinh tế của đậu nành rau cao hơn nhiều so với trồng lúa. Do đó, bà con nông dân tại Vĩnh Long đã mở rộng diện tích trồng đậu nành rau trong vụ Hè Thu. Tuy nhiên, canh tác đậu nành rau trong vụ Hè Thu sẽ rơi vào những tháng mưa nhiều, năng suất sẽ không cao như vụ Đông Xuân, vì thế bà con cần quan tâm một số kỹ thuật trồng đậu nành rau sau đây.
1. Chọn giống trồng đậu nành rau
Nên chọn những giống đậu nành rau có khả năng chống chịu nhiệt độ trong giới hạn rộng từ 10 – 40oC; có khả năng phản ứng với ánh sáng yếu; có thể trồng quanh năm và có thể chống chịu với một số bệnh: gỉ sắt, sương mai, đốm nâu vi khuẩn, lở cổ rễ. Các giống đậu nành rau có thể chọn trồng trong vụ Hè Thu là DT02 và DT08.
2. Chuẩn bị đất trước khi gieo
Cây đậu nành rau có khả năng chịu hạn nhưng sợ ngập úng. Đậu nành rau chỉ chịu được úng trong thời kỳ cây con trước khi ra hoa. Do đó trong quá trình chuẩn bị đất nên cuốc đánh rãnh thoát nước quanh bờ ruộng, mỗi rãnh cách xa nhau 3 – 5m, sâu 30cm, rộng 20cm để giúp cho việc thoát nước nhanh khi mưa nhiều, không để đọng nước trên ruộng, tránh hiện tượng thối chết giống, giảm tỷ lệ cây sống trên ruộng sau khi gieo.
3. Mật độ và cách trồng đậu tương rau
Để cho cây đậu nành rau phát triển cân đối, có khả năng chống đổ ngã, chống sâu bệnh tốt, rất cần gieo hạt theo mật độ tối ưu. Vụ Hè Thu thời tiết mưa nhiều, cây phát triển và phân cành mạnh nên gieo thưa với mật độ 25 – 30 cây/m2 (50cm x 20cm). Lượng giống dùng từ 100 – 120 kg/ha (tỷ lệ nảy mầm đạt trên 70%).
Trong quá trình gieo hạt, không nên để hạt vùi lấp sâu trong đất (không quá 1,5cm), đảm bảo nền đất gieo đủ ẩm (70 – 80%), không gieo trên nền đất quá ướt. Tránh gieo hạt vào những ngày có mưa, bão.
Nên khử nấm bệnh lưu trên hạt giống trước khi gieo bằng các loại thuốc trừ nấm. Bởi vì khi gieo hạt giống xuống ruộng, có những hạt mang mầm bệnh vẫn hút no nước và căng mọng, thế nhưng không thấy chúng mọc cây, sau một vài ngày thì thấy có một lớp nấm mốc bao quanh và thối đi, như thế sẽ không đảm bảo được mật độ trồng trên ruộng.
4. Kỹ thuật chăm sóc
4.1. Làm cỏ
Làm cỏ có thể kết hợp với các lần bón phân và vun gốc đậu.
Trước hoặc sau khi xuống giống 1 – 2 ngày, làm cỏ bằng tay hoặc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ diệt mầm như: Dual Gold, Dual… Sau đó, từ 14 – 18 ngày sau khi gieo, nếu có cỏ (từ 3 – 6 lá), nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ hậu diệt mầm như: Onecide, Targa Super,… Chú ý những giai đoạn sau không nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, chỉ làm cỏ bằng tay.
4.2. Tỉa dặm
Sau khi xuống giống từ 5 – 7 ngày cây đã lên khỏi mặt đất (cây được 1 – 2 lá thật), cần quan sát nhổ cây con chỗ dày, dặm lại những nơi cây không lên để đảm bảo mật độ trồng, nên dặm vào buổi chiều mát.
4.3. Tưới nước
Đậu nành rau rất cần đủ nước để hạt to, trái to, năng suất cao bán được giá và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nếu để trái nhỏ, hạt nhỏ thì giá trị sẽ giảm rất lớn. Khi thiếu nước, cây sinh trưởng kém, lá rụng, trái và hạt nhỏ lại. Tuy vậy, cũng không nên để ruộng đậu bị úng, ngập nước.
4.4. Phòng chống đổ ngã khi mưa bão
Sau khi mưa bão vừa tan, đợi cho lá ráo nước, dùng gậy dựng cây đứng trở lại sao cho lá không được xếp vào nhau. Thoát nước kịp thời không để úng, ngập quá 24 giờ.
5. Thu hoạch
Đậu nành rau là loại cây trồng dễ trồng; có thời gian canh tác ngắn, trung bình từ 60 – 70 ngày là có thể thu hoạch. Trái đậu nành rau thu hoạch khi còn tơ, vừa vào chắc 80 – 90%, hái vào lúc sáng sớm để giữ cho trái đậu còn tươi xanh. Khi thu hoạch phải để đậu ở nơi râm mát, không làm xây xát, dập nát, gãy trái và chở đến nơi thu mua trong vòng 2 giờ. Vì đây là đậu ăn trái cần thu hoạch và vận chuyển càng nhanh càng tốt, tránh để đậu ngoài nắng và thu hoạch kéo dài, trái sẽ bị xuống màu. Trồng đậu nành rau đúng kỹ thuật sẽ cho năng suất trái trung bình từ 2 – 6 tấn/ha. Sau 2 vụ trồng đậu nành rau, người dân có thể xen canh cây trồng khác để giảm lượng sâu bệnh cho cây và giúp đất có khả năng phục hồi.
Hiện nay, đậu nành rau là món ăn khá ngon, được nhiều công ty nông sản bao tiêu thu mua, chế biến và xuất khẩu. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, đậu nành rau là món ăn bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe vì hàm lượng của nó giàu chất khoáng, vitamin, protein, chất xơ, chất béo,… rất tốt cho sức khỏe và có khả năng ngăn ngừa một số bệnh về ung thư.