Lợn rừng hay heo rừng là một loài vật hoang dã ngoài tự nhiên, được biết đến là loài thịt sạch, với lượng mỡ thấp, chất thịt ngon và có hương vị của rừng núi. Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng ngày càng cao, nên các mô hình thuần hóa lợn rừng, lai tạo với lợn nhà đang được nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi áp dụng. So với cách nuôi heo rừng thuần chủng thì cách nuôi lợn rừng lai có phần đơn giản hơn, nhưng để lợn phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt thì bà con cũng cần bỏ nhiều thời gian và công sức để chăm sóc. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cùng bà con tìm hiểu một số cách nuôi heo rừng hiệu quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc điểm của lợn rừng lại
Heo rừng lai với ưu thế có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp…
Vóc dáng: Heo rừng lai cân đối, nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt, hơi gầy, lưng thẳng, bụng thon, chân dài và nhỏ, cổ dài, đầu nhỏ, tai nhỏ vểnh và thính, ánh mắt lấm lét trông hoang dã, răng nanh phát triển mạnh, da lông màu hung đen hay xám đen. Lúc trưởng thành trọng lượng con đực nặng 50 – 70kg, con cái nặng 30 – 40kg (con đực thường lớn hơn con cái).
Tập tính sinh hoạt và môi trường sống: Heo rừng lai hơi nhút nhát, thính giác, khứu giác tốt và chọn lọc tự nhiên thể hiện tính hoang dã của nó. Thích sống theo bầy đàn nhỏ vài ba con, heo đực thường thích sống một mình (trừ khi heo cái động dục).
Môi trường sống thích hợp là vườn cây, trảng cỏ gần ao hồ… Thích hoạt động về ban đêm, ban ngày thì tìm nơi yên tĩnh, kín đáo để ngủ, nghỉ…
Giá trị và thị trường: thịt heo rừng có chứa hàm lượng Cholerteron thấp, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao… Thịt heo rừng lai màu hơi nhạt, không đỏ như thịt heo nhà, nhưng nhiều nạc, ít mỡ, da mỏng, thịt thơm ngon rất đặc trưng.
Kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm
Chuồng trại
Hiện nay, chuồng trại tại các mô hình chăn nuôi lợn rừng lai được làm theo kiểu bán hoang dã, vừa dễ quản lý lại vừa đảm bảo tập quán sinh sống hoang dã của chúng.
Lựa chọn trang trại nuôi tại khu vực xa đường xá, ít dân cư. Thiết kế chuồng trại cao ráo, thoáng mát, thoát nước tốt, đặc biệt phải có nguồn nước sạch.
Cách nuôi lợn rừng theo từng giai đoạn phát triển
Kỹ thuật nuôi lợn rừng thịt có 2 giai đoạn
Giai đoạn nuôi tập trung: Trong giai đoạn này bà con sẽ nuôi tập trung để tiện chăm sóc, kích thích tăng trưởng. Giai đoạn này bà con nuôi lợn theo quy mô tập trung đến khi đạt số ký mong muốn thì chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn nuôi thả rông: Giai đoạn này sẽ cho heo rừng sống theo kiểu hoang dã, thả nuôi trong vườn rộng có rào chắn để heo tha hồ hoạt động. Giai đoạn này sẽ giúp kích thích heo vận động làm tiêu bớt mỡ, thịt săn chắc hơn.
Thức ăn cho heo rừng
Khẩu phần thức ăn cho heo rừng lai thông thường: 50% là rau, củ, quả các loại (sử dụng thức ăn tươi xanh, không héo úa), 50% là cám, gạo, ngũ cốc các loại, hèm bia, bã đậu…
Mỗi ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều), một con heo lai trưởng thành tiêu thụ hết khoảng 2 – 3kg thức ăn các loại. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi heo rừng lai, sẽ làm cho phẩm chất thịt của heo rừng lai bị biến đổi và nhiều khi làm cho heo bị bệnh tiêu chảy.
Kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản
kỹ thuật nuôi lợn rừng đẻ đòi hỏi người chăn nuôi quan tâm đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc bởi nó quyết định đến chất lượng của đàn lợn con.
Đặc tính sinh sản của lợn rừng
Heo rừng lai sinh sản tự nhiên quanh năm. Điều quan trọng là người chăn nuôi cần theo dõi biểu hiện động dục của heo cái và xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất. Heo rừng thường mang thai 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày (khoảng 114 – 115 ngày) thì đẻ. Heo mang thai nên nuôi riêng để tiện chăm sóc nuôi dưỡng.
Chế độ dinh dưỡng
Trong 2 tháng đầu mang thai: khẩu phần thức ăn chính là rau, củ, quả, hạt ngũ cốc các loại… có thể bổ sung thêm thức ăn tinh hỗn hợp, 15g muối, 20g khoáng mỗi ngày.
Từ sau 2 tháng đến khi đẻ: cần thiết phải bổ sung thêm thức ăn tinh giàu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng,…
Cách nuôi heo rừng đẻ
Khi gần đẻ, heo nái thường có biểu hiện như cắn ổ, tha cỏ, rơm rác… Ngày heo mẹ đẻ có thể cho heo ăn cháo loãng, ít muối, ít rau xanh để đề phòng sốt sữa.
Thời gian đẻ (từ con đầu đến con cuối) 2 – 4 giờ, quá trình đẻ tự nhiên không cần sự trợ giúp của con người. Heo mang thai lứa đầu tiên đẻ từ 3-5 con, bắt đầu lứa thứ hai: 5-8 con.
Kỹ thuật nuôi lợn rừng sau sinh
Đối với heo nái nuôi con, khẩu phần thức ăn phải đảm bảo số lượng, chất lượng. Khi heo con được 1,5-2 tháng tuổi, đã có thể tách sữa mẹ hoàn toàn, lúc này khẩu phần ăn của heo mẹ sẽ trở lại bình thường.
Lưu ý: Trong giai đoạn nuôi con, nếu heo mẹ động dục không nên phối giống lúc này, vì khó thụ thai hoặc thụ thai nhưng số lượng và chất lượng heo con sinh ra không đạt chất lượng.
Phòng ngừa bệnh
Heo rừng lai là vật nuôi mới được lai tạo, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, heo rừng lai cũng thường bị một số bệnh như: Dịch tả, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh khác…
Cách phòng bệnh tốt nhất cho heo là luôn được chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống sạch sẽ, thức ăn đảm bảo vệ sinh và giá trị dinh dưỡng, chuồng trại luôn sạch sẽ… Ngoài ra cũng cần áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học như: Vệ sinh, sát trùng chuồng trại, cách ly khu vực chăn nuôi với các khu vực xung quanh…
Định kì tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, lở mồm long móng (FMD), E.coli, dại… theo đúng quy định của cơ quan thú y.
Trên đây là một số cách nuôi lợn rừng lại được nhiều hộ nông dân, trang trại áp dụng thành công. Chúc bà con chăn nuôi hiệu quả, tiết kiệm và đạt lợi nhuận cao.