Ngoài việc lựa chọn giống cà phê đạt chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, thì việc áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc cây cà phê trong từng thời kỳ phát triển cũng quyết định không nhỏ đến sinh trưởng và năng suất của vườn cà phê. Để giúp bà con chăm sóc cây cà phê hiệu quả sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cà phê mới trồng chỉ với 6 bước đơn giản.
Kỹ thuật chăm sóc cà phê mới trồng
1. Trồng dặm
Sau khi trồng cà phê khoảng 15 – 20 ngày, bà con nên đi kiểm tra tất cả cây con xem có cây nào chết không. Nếu phát hiện cây chết hoặc bị còi cọc thì nên nhổ bỏ và trồng cây cà phê mới để thay thế. Công đoạn này cần được tiến hành sớm và phải hoàn thành trước khi mùa mưa kết thúc từ 1,5 đến 2 tháng.
2. Làm cỏ, ủ gốc
Một trong các công đoạn trong cách chăm sóc cây cà phê mới trồng cần được thực hiện thường xuyên đó chính là làm cỏ và ủ gốc. Theo đó, khi thực hiện công việc làm cỏ và ủ gốc bà con cần phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau:
– Thường xuyên kiểm tra và diệt trừ cỏ dại kịp thời để giúp cho vườn trồng thông thoáng, không tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.
– Với các loại cỏ khó xử lý như cỏ gấu, cỏ tranh,… bà con có thể sử dụng một số loại thuốc diệt cỏ được bán phổ biến trên thị trường. Lựa chọn các loại thuốc phù hợp để tránh làm ảnh hưởng đến cây cà phê.
– Thường xuyên thực hiện việc ủ gốc cho cây, để giữ ẩm, đỡ tốn thời gian tưới. Việc ủ gốc cây, còn là phương pháp giúp điều hòa nhiệt của đất, giữ cho đất được tơi xốp.
3. Xen canh cây cà phê mới với những cây khác
Bà con có thể xen canh cây cà phê với các loại cây trồng khác như: đậu đen, đậu xanh, đậu phộng,… Việc trồng xen canh vừa giúp cải tạo đất vừa giúp sử dụng hiệu quả khoảng đất trống và còn có thể tận dụng thân, lá cây để làm nguyên liệu ủ gốc.
4. Trồng cây che bóng
Bà con có thể chọn các loại cây che bóng cho cây cà phê như bơ, sầu riêng… và trồng cùng lúc với cây cà phê con tại vị trí những ngã tư giữa các bồn, trồng với khoảng cách 9 x 9m hoặc 9 x 12m.
Việc trồng cây che bóng này vừa có tác dụng che bóng cho cây cà phê vừa người nông dân có thêm thu nhập. Trồng cây che bóng cũng cần phải tỉa cành hợp lý, không để quá rậm rạp làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận ánh sáng của cây cà phê. Các tán cây che bóng phải cách ngọn cà phê từ 2 – 4m.
5. Tỉa nhánh cây cà phê
Khi cây trồng được khoảng 5-6 tháng thì tiến hành bẻ đi những chồi mọc ra từ thân chính, nách lá vào thời điểm đầu mùa mưa và trước mỗi đợt bỏ phân. Sau khi trồng khoảng 1 năm có thể tiến hành làm chồi từ 5-6 lần. Ở mỗi vị trí đốt cành chỉ để lại khoảng 3 cành dự trữ. Tỉa bớt các cành thứ cấp trên cao để cây dễ hấp thụ ánh sáng. Bà con khi canh tác cần chú ý nên hãm ngọn ở độ cao khoảng 1,6 – 1,7m.
6. Bón phân cho cây cà phê
Để chăm sóc cà phê mới trồng, bà con cần có kế hoạch sử dụng phân bón một cách chính xác về liều lượng cũng như thời điểm bón phân. Sử dụng phân chuồng hoai mục và bón định kỳ 4 – 5 năm một lần với khối lượng khoảng 10 – 15m3/ha đối với đất tốt, còn với đất xấu thì bón định kỳ 2 – 3 năm với liều lượng tương tự. Phân được bón theo rãnh vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh được đào dọc theo một bên thành bồn rộng 20cm, sâu 25 – 30cm và sau khi bón phân cần lấp đất lại.
Trong giai đoạn mới trồng là lúc cây cà phê cần có sự quan tâm và chăm sóc kỹ lưỡng để có thể sống và phát triển tốt nhất. Trên đây hướng dẫn về cách chăm sóc cà phê mới trồng, bà con cần áp dụng khi bắt đầu trồng cây cà phê. Dù là cây cà phê hay bất cứ cây trồng nào khác, công đoạn chăm sóc cây vẫn quan trọng hơn cả, bởi nó không chỉ quyết định đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mà còn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Chúc bà con sẽ có một vườn cà phê mới trồng tươi tốt, sinh trưởng khỏe mạnh và cho năng suất cao!