Hiện nay, các mô hình nuôi thỏ ở nước ta vẫn chưa thực sự phát triển mạnh, mặc dù nuôi thỏ giúp mang lại kinh tế cực kỳ lớn. Thỏ có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên để nuôi thỏ thành công thì bà con nông dân cần phải trang bị một số kỹ thuật nuôi thỏ để mang lại hiệu quả cao nhất. Sau đây, chúng tôi xin hướng dẫn đến bà con cách nuôi thỏ mau lớn, giúp đem lại lợi nhuận cao trong chăn nuôi.

Chuẩn bị trước khi chăn nuôi thỏ
1. Hướng dẫn làm chuồng nuôi thỏ
Chuồng thỏ không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật gì quá cầu kỳ, chúng thường được làm từ những vật liệu dễ kiếm như tre, nứa, gỗ hoặc cũng có thể làm bằng khung sắt. Tốt nhất là nên làm bằng tre, đan lại để làm chuồng, các nan tre được đan với khoảng cách từ 1,2 – 1,5cm để thỏ không bị lọt chân, trách trường hợp chuột chiu vào cắn thỏ.
Một điều quan trọng, chuồng thỏ nên được thiết kế với kích thước: cao 45 – 50cm, rộng và dài khoảng 70 – 75cm. Chuồng thỏ phải sạch sẽ, chắc chắn, rộng rãi, thoải mái để thỏ hoạt động dễ dàng, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong chuồng cần đặt thêm máng ăn, máng uống ở vị trí thuận lợi để thỏ dễ ăn uống, giúp bà con dễ dàng chăm sóc.

Lưu ý khi làm chuồng nuôi thỏ:
– Để thuận tiện vệ sinh chuồng thỏ bạn nên thiết kế đáy lồng tháo lắp được.
– Để đảm bảo đúng kỹ thuật nuôi thỏ sinh sản, thì đối với những chuồng cho thỏ đẻ thì bạn cần làm bằng gỗ mỏng và nẹp chắc chắn vói chiều dài, chiều rộng, chiều cao lần lượt là 50cm, 35cm và 20cm.
– Lồng nuôi nên đặt ở nơi có mái che, tránh nắng mưa, gió lạnh,… để thỏ không bị bệnh tật.
2. Hướng dẫn chọn giống thỏ
Muốn thỏ nhà bạn nuôi đạt được hiệu quả kinh tế cao thì bạn phải chọn được giống tốt cái đã. Muốn có được những con thỏ như thế thì bạn cần đến những nơi uy tín để tìm mua. Họ là những người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi thỏ, quản lý đàn rất tốt và chăm sóc thỏ cũng rất cẩn thận.
Những con thỏ giống cần khỏe mạnh, lưng phẳng, các cơ thăn chắc, mồng đùi phải căng. Bạn chỉ chọn mua những con có thể lực tốt, linh hoạt và nhạy cảm. Mắt mũi sáng sủa, tai khô và chân sạch sẽ, không có vảy, lông bóng mượt, răng cửa mọc bình thường.
Đối với các giống thỏ nhỏ thì con cái đã có thể phối giống từ lúc 5 tháng tuổi trở lên. Con đực thì rơi vào khoảng 6 tháng tuổi.
Nếu muốn chọn giống thỏ đực thì phải chọn con đầu to, chân to mập mạp. Không những vậy ngực phải nở và dương vật thẳng, hai cà đều nhau không bị lép.
Hiện nay, trên thị trường cũng có cung cấp nhiều loại giống thỏ như thỏ nội thì có thỏ đen, thỏ xám, còn thỏ ngoại thì có thỏ NewZealand, thỏ California, thỏ Pháp, thỏ Hungari…

Với mục đích nuôi thỏ lấy thịt thì bà con nên lựa chọn giống thỏ NewZealand chúng có đặc điểm toàn thân lông trắng, mắt đỏ, và thỏ California có đặc điểm lông trắng có đốm đen ở tai và mũi. Bà con chỉ nên mua giống ở những nơi quen biết, uy tín, lựa chọn những con có thể lực tốt, linh hoạt, nhạy cảm, mắt sáng sủa, mũi khô, tai và chân sạch sẽ không có vẩy, lông bóng mượt, răng cửa mọc bình thường. Thỏ trưởng thành, con đực có trọng lượng từ 5 – 5,5 kg/con, con cái có trọng lượng từ 3,5 – 4 kg/con, với tỷ lệ thịt xẻ từ 55 – 60%.
3. Thức ăn cho thỏ
Thỏ được xem là loại động vật ăn tạp, thức ăn cho thỏ khá đa dạng, thông thường được chia thành 2 loại: thức ăn thô và thức ăn hỗn hợp.
Thức ăn xanh bao gồm các loại lá, cây củ quả dễ mua tại địa phương như: Lá ngô, bắp cải, xu hào, bèo tây, lá cây đậu, lá xung, lá mít, lạc, lá xoan, lá đu đủ, đậu lạc, lá chuối, cỏ voi… Nhóm thức ăn này có hàm lượng dinh dưỡng thấp, chủ yếu cung cấp chất xơ cho thỏ. Cần đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho thỏ phải sạch sẽ.

Lưu ý khi chuẩn bị thức ăn xanh cho thỏ:
– Không được cắt thức ăn từ những nơi chăn thả gia súc, gia cầm hoặc đọng nước để phòng tránh các bệnh giun sán, xuất huyết ruột.
– Các loại lá, cây củ quả khi cắt về nên rải đều ra, phơi cho ráo nước rồi mới cho thỏ ăn.
– Vào những ngày mưa, mua đông nguồn thức ăn xanh khan hiếm thì bà con nên làm giàn phơi để phơi cỏ khô thật kĩ, sau đó bó lại treo lên để làm thức ăn dự trữ.
– Đặc biệt lưu ý không được cho thỏ ăn thức ăn đã bị mốc, chua, nẫu, lên men để tránh các bệnh tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi.
Thức ăn hỗn hợp Là loại thức ăn tự phối trộn từ các loại nguyên liệu như ngô, sắn, đậu, mì… hoặc các loại cám công nghiệp có bán sẵn trên thị trường. Nguồn thức ăn này có giá trị dinh dưỡng cao và thỏ chỉ sử dụng với khối lượng rất nhỏ.

Lưu ý khi chuẩn bị thức ăn hỗn hợp cho thỏ:
– Không cho ăn cám nhiều đạm mà chỉ cần loại thức ăn từ 15-16% đạm.
– Không nên cho thỏ ăn cám đậm đặc vì nhiều muối thỏ sẽ chết.
– Trước khi xuất chuồng 7 – 8 ngày, giảm cho ăn rau cỏ, lá cây mà cho ăn cám viên hoặc thức ăn phối trộn theo công thức sau: 1kg thức ăn hỗn hợp= 50g cám ngô + 20g cám gạo (hoặc bột sắn) + 20g cám viên + 10g rau xanh để thỏ tăng trọng.
Nên cho thỏ ăn 2 lần/ngày (sáng và chiều) vào các khung giờ cố định để tạo thói quen sinh hoạt cho thỏ.
Kỹ thuật chăm sóc thỏ
1. Cách nuôi thỏ con
Sau khi thỏ đẻ xong phải kiểm tra số lượng con và tiến hành ủ ấm ngay cho thỏ con bằng chất lót ổ. Mỗi ngày thỏ mẹ chỉ cho con bú 1 lần, vì thế sau khi cho thỏ con bú xong nên đưa ổ đẻ ra khỏi lồng thỏ mẹ, để thỏ mẹ được yên tĩnh.

Thỏ mới để chỉ nặng khoảng 40 – 60g, bắt đầu cho thỏ bú mẹ sau khi sinh được 14 – 15 giờ. Thỏ con mới sinh ra không có lông, và sẽ mở mắt sau 12 ngày. Thỏ con sống và phát triển hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 18 ngày đầu, đây là giai đoạn quyết định đến tỷ lệ nuôi sống của thỏ con.
Sau 18 ngày thỏ con có thể ra khỏi ổ, được để trong lồng cùng với mẹ và tập cai sữa, cần bổ sung thêm thức ăn thô xanh là loại rau, lá, cỏ non để thỏ con có thể tập ăn. Khi được 23-25 ngày tuổi, thỏ con đã có thể hấp thụ được 50% chất dinh dưỡng từ thức ăn ở bên ngoài. Sau 30 ngày, thỏ con có thể cai sữa hoàn toàn.
2. Cách nuôi thỏ thịt
Giai đoạn sau khi cai sữa, thỏ con có thể đạt khoảng 0,5Kg. Giai đoạn này thỏ mới cai sữa mẹ nên cần cho ăn chủ yếu là các loại thức ăn xanh, cần bổ sung thêm các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, có hàm lượng đạm cao, nhiều Vitamin A, B, C. Có thể kết hợp cho ăn cám viên nhưng chỉ cần sử dụng với lượng 10 – 15 g/con/ngày.
Lưu ý: trong gian đoạn này không nên cho thỏ ăn uống tùy tiện, rất dễ chết do mặc các bệnh tiêu chảy, nhiễm bệnh cầu trùng, sán lá gan, Ecoli…

Gian đoạn phát triển (thỏ được 70 – 100 ngày tuổi), khẩu phần thức ăn của thỏ khối lượng lớn vẫn là lá cây, các loại rau cỏ trồng. Các loại thức ăn có nhiều chất đạm, xơ, khoáng để thúc cho thỏ lớn nhanh. Ở giai đoạn này thỏ sẽ phát triển các tế bào cơ, xương, các cơ quan nội tạng. Chăm sóc đúng kỹ thuật, trọng lượng cuối giai đoạn thứ 2 sẽ đạt 2 – 2,5kg/con.
Giai đoạn vỗ béo thỏ (100 – 120 ngày tuổi), thỏ cần lượng thức ăn tinh bằng khoảng 1/9 – 1/10 lượng thức ăn thô xanh. Nên tạo không gian yên tĩnh để thỏ nghỉ ngơi, giảm bớt ánh sáng khu vực chuồng thỏ để thỏ dễ ngủ. Trước khi làm thịt 7 ngày nên giảm lượng thức ăn thô (cỏ khô, rơm rạ…) để tăng chất lượng thịt.

Vệ sinh chuồng trại
Hằng ngày bà con phải quét dọn phân, thức ăn đọng lại ở đáy, góc chuồng thỏ. Định kỳ 1 lần/tuần phải phun thuốc sát trùng Vinkon, Hantox, i-ốt xung quanh chuồng nuôi. Cần rắc vôi tẩy uế và để trống chuồng nuôi 7 ngày sau khi bán.
Phòng một số bệnh trên thỏ
Phòng bệnh tốt hơn trị bệnh, do đó bà con cần tuân thủ các nguyên tắc chăn nuôi thỏ: ăn sạch, uống sạch, và đảm bảo môi trường chăn nuôi thỏ luôn sạch sẽ. Khi thời tiết và môi trường sống thay đổi cần bổ sung vitamin liên tục trong 3 – 5 ngày.
Một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi thỏ:

Bệnh cầu trùng trên thỏ: Xuất hiện trong điều kiện vệ sinh kém. Thỏ kém ăn, xù lông, phân lỏng. Phòng bệnh bằng cách thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại.
Bệnh bại huyết còn gọi là bệnh xuất huyết trên thỏ: Là bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh, bệnh chủ yếu xảy ra ở thỏ lớn từ 1,5 tháng tuổi trở lên. Biểu hiện: thỏ lờ đờ, bỏ ăn trong thời gian ngắn rồi chết hàng loạt. Trước khi chết thỏ giãy giụa, quay vòng, máu ộc ra ở mồm, mũi. Phòng bệnh bằng vaccine VHD bại huyết.
Bệnh ghẻ trên thỏ: Biểu hiện thỏ ngứa, rụng lông và có vảy, khô, cứng (chủ yếu ở tai, chân và mũi), đôi khi dưới vảy ghẻ có mủ do nhiễm trùng gây viêm da. Phòng bệnh: Thường xuyên tẩy uế, vệ sinh chuồng trại, cách ly thỏ ghẻ và điều trị, dùng lửa hoặc nước sôi sát trùng toàn bộ lồng chuồng và các dụng cụ chăn nuôi khác.