Kỹ thuật chăn nuôi vịt kết hợp thả cá cho hiệu quả kinh tế cao

Chăn nuôi kết hợp vịt và cá là phương thức chăn nuôi khá quen thuộc đạt hiệu quả kinh tế cao trên một diện tích ao hồ. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng cá, vịt phụ thuộc vào kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc của người nông dân. Bên cạnh đó, nuôi vịt và nuôi cá là hai nghề khác nhau vì vậy kỹ thuật nuôi cũng khác nhau. Sau đây là kỹ thuật chăn chăn nuôi vịt và thả cá kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao, mời bà con cùng theo dõi.

Những điều kiện có thể áp dụng chăn nuôi vịt kết hợp thả cá

– Phải có vốn đầu tư

– Phải có đất đai để làm chuồng trại, có ao hồ mương rạch để thả cá

– Phải nắm được kỹ thuật nuôi vịt, kỹ thuật thả cá và sự kết hợp giữa nuôi vịt và thả cá

– Phải bảo vệ được sản xuất, môi trường và an toàn cho người và vật nuôi

– Phải có giống vịt, cá thích hợp mới đem lại hiệu quả cao

Kỹ thuật chăn nuôi vịt và thả cá kết hợp

1. Kỹ thuật nuôi vịt

Nuôi vịt kết hợp thả cá ta có thể nuôi vịt đẻ (vịt Cỏ, vịt Khaki Campbell, vịt CV2000 Layer, vịt Triết Giang… ) cũng có thể nuôi vịt thịt như vịt CV Super M và các giống vịt khác chỉ nhằm mục đích lấy thịt.

1.1. Làm chuồng nuôi

Chuồng nuôi vịt có thể làm ngay gần ao bằng các thanh tre, nứa lá hoặc gỗ có sân tạo thành độ dốc cần thiết để vịt lên xuống dễ dàng. Chuồng bảo đảm thoáng, sạch có chất độn chuồng bằng phôi bào, trấu khô hoặc rơm rạ không bị hôi mốc. Chủ yếu dùng cho vịt đẻ còn vịt thịt chỉ cần độn chuồng giai đoạn đầu 1-14 ngày tuổi. Ở Thái Lan, Indonesia người ta làm chuồng trên máng tre nữa ở ngay dưới ao, vịt nuôi rất tốt. Nhiệt độ chuồng nuôi ba ngày đầu từ 28  – 30°C sau giảm dần, từ ngày thứ 10 trở đi 20 – 22°C. Dụng cụ nuôi thiết yếu cần có là máng ăn, máng uống có thể sử dụng chậu, mẹt tre, tấm nilon thay cho máng ăn máng uống.

1.2. Chọn vịt con

Chọn vịt khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, không bệnh, không bị dị tật. Nếu là vịt nuôi để lấy trứng thì nên chọn trống mái ngay từ một ngày tuổi để loại những con trống nuôi thịt.

1.3. Thức ăn

Dùng thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc dùng gạo lật, mảnh ngô nấu chín, thóc luộc (giai đoạn nhỏ), thóc nguyên hạt (giai đoạn vịt lớn) trộn thêm cá, đậu tương rang hoặc cua, ốc, tôm, tép, premix vitamin. Thức ăn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển. Bà con có thể tham sao chế độ dinh dưỡng như sau

– 1-3 tuần: Protein 20%, năng lượng 2900 kcal

– 4-8 tuần: Protein 17%, năng lượng 2900 kcal

– 9-18 tuần: Protein 14%, năng lượng 2900 kcal

– 19 tuần trở lên: Protein 17%, năng lượng 2700 kcal

1.4. Lượng thức ăn và cách cho ăn

Tuỳ vào giống vịt bà con điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp với từng giống vịt và điều kiện bổ sung nguồn thức ăn có sẵn.  Dưới đây là khẩu phần ăn cho vịt nuôi lấy trứng: 

– Từ 1-7 ngày cho ăn 80 – 100g/con

– Từ 8-14 ngày cho ăn 250 – 300g/con, tập cho vịt ăn thóc luộc và thả xuống ao.

– Từ 22-90 ngày cho ăn bổ sung 100 – 110g/con/ngày

– Từ 91-120 ngày cho ăn bổ sung 120 – 130g thóc/con/ngày

– Khi vịt đẻ có thể cho ăn hỗn hợp cám đậm đặc và thóc tỷ lệ 30-40% đậm đặc, 60-70% thóc, tuỳ theo khả năng bổ sung các loại thức ăn khác như cá, tôm, cua ốc, rau bèo. Luôn luôn bảo đảm nước uống sạch đủ.

2. Kỹ thuật nuôi cá

2.1. Yêu cầu ao nuôi thả cá

Chọn ao nuôi và xác định loại cá nuôi chính: Ao có diện tích 1000m2 trở lên mức nước sâu 1,5m chất nước có màu tốt nên nuôi cá mè làm chủ. Ao đất thịt pha cát có đất đáy là cát bùn thì nên nuôi cá trôi làm chủ. Ao có diện tích rộng có nhiều rong bèo có cỏ và ở nơi có nhiều thức ăn xanh thì nuôi cá trắm cỏ làm chủ. Những ao có nguồn nước rửa chuồng, có thức ăn thừa của vịt có thể thả cá rô phi làm chủ. Trong hệ thống kết hợp cá vịt có thể áp dụng được các loại hình trên. Riêng loại hình nuôi cá rô phi làm chủ còn nhằm mục đích cung cấp cá thường xuyên cho vịt thay vì dùng các loại thức ăn đạm động vật khác.

2.2. Dọn sạch ao nuôi

Ao được tát dọn, nếu nhiều bùn thì vét bớt bùn ở đáy ao, sửa lại những chỗ bị sụt lở. Đóng cọc tre, chắn phên hoặc lưới nilon quanh bờ ao cách bờ tối thiểu 40cm. Rắc vôi bột để diệt cá tạp và khử độ chua nếu có. Khi tháo nước vào, nước phải ngập các phên hoặc mặt lưới khoảng 20cm phần phên, lưới còn lại trên mặt nước tối thiểu 30cm.

2.3. Thời vụ thả cá 

Có hai vụ: Vụ xuân và vụ thu. Ở các tỉnh phía Bắc không nên thả cá rô phi vào vụ thu đông vì trời rét dễ bị chết. Nếu thả cá rô phi thì phải chú ý chống rét. Thả cá phải chọn những con khoẻ, cỡ giống tương đối đồng đều, không bị nhiễm bệnh.

2.4. Thức ăn cho cá

Thức ăn chủ yếu của cá là phân chuồng, rau xanh (hoặc chất xanh như là cỏ, rau, bèo rong…) phân đạm, phân lân. Ở hệ thống nuôi kết hợp cá vịt phân chuồng, phân xanh đã được vịt cung cấp qua chất thải của chúng là phân vịt. Ngoài ra còn có các chất thải rửa chuồng và thức ăn dư thừa rơi vãi được đưa xuống ao vì vậy không cần phải cung cấp thức ăn cho cá như ở các ao không thả vịt. Người ta chỉ chú ý cung cấp đạm và lân mà thôi. 

Tuy nhiên vẫn phải theo dõi đàn cá nếu thấy cá biểu hiện cá đói ăn thì phải kịp thời bổ sung ngay. Nhất là khi nuôi cá có mật độ cao quá 2 con/1m2. Đối với ao nuôi cá trắm cỏ là chính cần chú ý bổ sung rau, bèo, bã bia, bã đậu cho vịt và cho cá vì để tăng được 1kg thịt cá trắm cỏ cần phải có 30-40 kg thức ăn xanh.

Chăm sóc và thu hoạch vịt – cá

Luôn quan sát nước trong ao, nước có màu xanh nõn chuối là tốt nhất. Nếu nước có màu đục sẫm, cá nổi nhiều vào buổi sáng khi mặt trời đã mọc thì phải thay nước ngay nhưng không được cho nước phèn vào ao.

Xung quanh ao không nên có nhiều cây bóng mát vì nó làm giảm lượng ánh sáng chiếu xuống ao, ngăn cản sự quang hợp của thủy sinh vật là nguồn thức ăn cho cá.

Phải theo dõi đàn vịt hàng ngày để phát hiện những con không bình thường, nhốt lại chăm sóc riêng, nếu mắc bệnh thì chữa. Những ngày, những lúc nóng quá, rét quá không nên cho vịt xuống ao.

Sau 8 -10 tháng nuôi, cá đạt kích thước cá thương phẩm, có thể tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, bên cạnh giải pháp thu hoạch toàn bộ sản phẩm vào cuối chu kỳ nuôi, có thể tiến hành thu tỉa thả bù sau khi mô hình thực hiện được ít nhất 6 tháng. Số lượng cá thả bù vào mô hình phải phù hợp với số lượng cá đã thu hoạch, như thế hiệu quả của mô hình nuôi mới được đảm bảo.

Chăn nuôi vịt kết hợp thả cá là hai nghề truyền thống của người dân ta từ bao đời nay. Song kết hợp thả cá với nuôi vịt không phải trang trại nào cũng có thể áp dụng được. Hi vọng với cách nuôi vịt kết hợp nuôi cá mà chúng tôi giới thiệu ở trên sẽ giúp ích cho bà con nông dân. Chúc bà con chăn nuôi thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *