Kỹ thuật nuôi cá rô đồng thương phẩm trong ao đất cho một vốn bốn lời

nuôi cá rô đồng

Cá Rô đồng là loài cá bản địa thơm ngon được nhiều người dân ưa chuộng. Trước đây loài cá này thường được khai thác ngoài tự nhiên, ngày nay do nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi ngày càng nhiều và nuôi loài cá này mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian ngắn. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật nuôi cá Rô đồng thương phẩm trong ao đất để bà con cùng tham khảo.

Đặc tính loài cá rô đồng

Cá rô đồng là loại cá sống ở môi trường nước ngọt, nước lợ. Chúng có thịt thơm, dai, ngon, tuy hơi nhiều xương nhưng chúng được đánh giá là loài cá có giá trị thương phẩm cao. Kích thước cực đại của chúng có thể tới 25cm. Cá rô có màu xanh từ xám đến nhạt, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng, với một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Các gờ của vảy và vây có màu sáng. Nắp mang cá có hình răng cưa. Chúng có một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang là mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ được oxy trong không khí. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên hai hàm, trên hai hàm còn có răng nhỏ nhọn: hàm răng ở giữa to hơn hai bên và răng có trên xương lá mía.

nuôi cá rô đồng

Điều kiện sinh trưởng

Cá rô thường sinh sống được ở các loại hình mặt nước: ruộng lúa, ao, mương, rãnh, hào, đầm, sông rạch… Nhiệt độ trung bình thích hợp cho sự sinh trưởng từ 22 – 30°C. Một đặc điểm riêng biệt của cá rô đồng là khả năng vượt cạn trong đêm. Cá đẻ trong tự nhiên: tự bắt cặp sinh sản. Sau những cơn mưa, hoặc mực nước thủy vực thay đổi là điều kiện ngoại cảnh thích hợp – kích thích cá sinh sản. Bãi đẻ của cá là ven những bờ ao, nước nông – yên tĩnh và có nhiều cỏ – cây thủy sinh. 

Kỹ thuật nuôi cá rô đồng thương phẩm trong ao đất

1. Chuẩn bị ao nuôi

Theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ao có sẵn hay ao mới đào đều có thể cải tạo để nuôi cá rô. Diện tích ao tuỳ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, diện tích nên vừa phải để dễ dàng trong việc chăm sóc và quản lý ao nuôi. Có thể diện tích ao từ vài trăm mét vuông đến vài mẫu, nhưng tốt nhất diện tích khoảng 1000m2, độ sâu từ 1,5 – 1,8m.

nuôi cá rô đồngAo nuôi phải gần nguồn nước sạch để dễ dàng thay nước và thêm nước trong quá trình nuôi. Xung quanh ao không quá rợp mát để ao tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời giúp cho các sinh vật là thức ăn cho cá phát triển tốt, và tránh trường hợp lá cây rụng xuống ao làm thối nước ao ảnh hưởng đến cá nuôi.

Bờ ao phải chắc chắn, không bị thất thoát nước, không để hang hốc và tránh để rô đồng vượt bờ. Mực nước trong ao khoảng 1,2 đến 1,5m là tốt nhất. Ở mực nước này các sinh vật đáy là thức ăn tự nhiên dễ dàng phát triển.

Trước khi thả cá ao phải được làm cạn nước, dọn sạch rong, cỏ và bắt hết cá tạp. San vét lớp bùn đáy (với ao cũ) không nên để lớp bùn đáy quá dày, tốt nhất còn 15-20cm. Sửa dọn bờ cho chắc chắn, lấp các hang hốc quanh ao. Bón vôi khắp đáy ao với lượng từ 7-10kg/100m2 ao để diệt các loại cá tạp còn xót lại, diệt một số vi sinh vật gây bệnh cho cá và cải tạo nền đáy ao. Phơi đáy ao trong  vòng từ 3-4 ngày.

2. Thả cá rô đồng giống

Đối với cá rô đồng kết quả nuôi phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cá giống. Khi chọn mua cá giống cần lưu ý các tiêu chuẩn sau: cá có màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, không dị hình, trầy da, lỡ mình; cá giống trước khi xuất bán phải được luyện trong ao, rộng trong vèo và bỏ đói. Mật độ thả nuôi khoảng 15 – 25 con/m2. Khi đem cá giống về không nên thả cá ra ao ngay mà phải ngâm bao cá cho nhiệt độ trong bao và ngoài ao cân bằng nhau mới mở bao cho cá bơi từ từ ra ngoài. Để phòng bệnh cho cá nên tắm cá giống qua nước muối 2 – 3% trong 5 – 10 phút.

nuôi cá rô đồng3. Thức ăn của cá rô

Cá rô là loài động vật ăn tạp. Chúng có thể ăn cả các loài động vật thân mềm, cá con và thực vật, kể cả cỏ. Chúng có thể ăn các chất hữu cơ và vô cơ được coi là “bẩn” trong nước. Nó có thể ăn lẫn nhau trong trường hợp đói. Vì vậy phân cỡ rất quan trọng. Cá rô đồng có nhiều ở các đồng ruộng khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên để cá nhanh phát triển, thì cần phải có chế độ ăn hợp lý cho cá. Người nuôi có thể sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như tấm, cám, rau xanh, bột cá, cá tạp, … để chế biến thức ăn cho cá ăn. Thức ăn tự chế cũng cần đảm bảo hàm lượng đạm theo yêu cầu giai đoạn phát triển.

Ngoài ra, cho cá ăn gồm; cám, tấm + bột cá (cá tươi hoặc các phế phẩm của nhà máy chế biến thủy sản) xay nhỏ, cách cho ăn như sau: Thành phần: 60% cám +40% bột cá hay cá tươi xay… Khẩu phần: 5 – 7% trọng lượng đàn cá/ngày.

4. Chăm sóc và quản lý ao nuôi

Thường xuyên kiểm tra cống, lưới bao quanh bờ ao, nếu có hư rách phải sửa vá ngay, đặc biệt chú ý vào giai đoạn mang trứng cá có thể dùng nắp mang leo lên bờ thoát ra ngoài. Trên mặt nước ao thả 1/10 diện tích rau muống hay bèo lục bình để hấp thu dinh dưỡng dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong ao.

Thường xuyên kiểm tra tình hình ăn của cá để điều chỉnh cho hợp lý. Cần thay nước từ 15-30% lượng nước trong ao mỗi ngày, nếu ao xa nguồn nước định kỳ 10 – 15 ngày thay 1/2 lượng nước trong ao. Hàng ngày kiểm tra tình hình hoạt động của cá để phát hiện dịch bệnh sớm.

nuôi cá rô đồng

Chăn nuôi cá rô đồng theo đúng kỹ thuật như trên thì chỉ 4-5 tháng đã có thể thu hoạch, lúc này cá đạt cỡ từ 80 – 100g/con. Nuôi cá rô đồng thương phẩm trong ao đất rất dễ, ít đòi hỏi kỹ thuật vì cá rất dễ thích nghi với môi trường sống và ít bệnh. Chúc bà con chăn nuôi thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *