Kỹ thuật trồng mộc nhĩ trên mùn cưa

0
861

Mộc nhĩ (hay còn gọi là nấm mèo) là loại nấm ăn có giá trị bổ dưỡng rất cao, chứa nhiều hoạt chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, giải độc và làm giảm sự lão hóa. Mộc nhĩ có thể trồng trên nhiều loại giá thể khác nhau, tuỳ vào từng điều kiện mỗi loại giá thể sẽ có phương pháp riêng. Hiện nay, trồng mộc nhĩ phổ biến nhất vẫn là trên mùn cưa, có thể trồng mộc nhĩ trên các loại mùn cưa khác nhau, tuy nhiên các loại mùn cưa cần phải được xử lý trước khi trồng để đạt hiệu quả tốt nhất. Sau đây là kỹ thuật trồng mộc nhĩ trên mùn cưa, mời bà con cùng theo dõi.

Thời vụ ươm trồng nấm mộc nhĩ

Đối với thời tiết ở khu vực phía Bắc tốt nhất nuôi trồng vào tháng 2-3 và tháng 9-10. Còn đối với thời tiết ở khu vực phía Nam thì có thể ươm trồng quanh năm. 

Chuẩn bị giá thể mùn cưa

Mùn cưa vừa được thu gom về thì đem phơi ngay cho khô. Không nên sử dụng mùn cưa đã bị mốc hoặc mùn cưa của các loại cây có tinh dầu hoặc các loại cây độc. Tốt nhất là dùng mùn cưa bồ đề, cao su, gòn, gáo… 

Tạo ẩm cho mùn cưa: trước khi đóng túi 6-7 ngày bà con tưới nước bằng nước sạch + 0,3% vôi nguyên liệu để được tạo ẩm đạt 60-65% là được, nắm mùn cưa vào tay khi bỏ ra còn khuôn là được. Vun thành đống rồi che bạt ủ khoảng 3 ngày, sau đó đảo trộn nguyên liệu 1 lần nữa rồi ủ tiếp 3 ngày nữa.

Phối trộn nguyên liệu: Sau khi mùn cưa đã tạo ẩm, trộn nguyên liệu với bột nhẹ, kiểm tra độ ẩm đạt 65% rồi ủ đống 5-7 ngày, đảo đều trộn thêm phụ gia (MgSO4 +  thỏi nghiền) rồi đóng bịch. Liều lượng phối trộn 100kg mùn cưa như sau: 1kg bột nhẹ + 0,1kg MgSO4 và 2kg thỏi nghiền nhỏ dạng cám.

Đóng túi: sử dụng túi PP chịu nhiệt, có kích thước 19 x 38cm, trọng lượng túi = 1kg mùn cưa khô = 1,3-1,4kg mùn cưa ướt. Khi đóng túi xong kích thước túi có đường kính 11cm và cao 18cm. Cổ nhựa nên tận dụng vỏ cứng và có nút bông. Với khoảng 1 tấn mùn cưa thì có thể đóng thành 1000 túi, 1m3 mùn cưa có thể đóng thành 300-350 túi.

Khử trùng túi nấm: Tùy vào từng quy mô nuôi trồng lớn hay nhỏ bà con có thể áp dụng 2 cách khử trùng túi nấm như sau.

– Khử trùng bằng nồi thủ công: (thùng phi bịt kín hấp cách thủy) ở điều kiện nhiệt độ mùn cưa 95-100°C từ 10-12h mới đạt yêu cầu. Mỗi thùng phi hấp được 40 túi.

– Khử trùng bằng lò sấy thủ công: dùng hơi nước bão hòa, kích thước lò 2m x 1,6 x  2,1m, dưới đáy 1 chảo gang đường kính 1,2m, dung tích lò: 800 túi/lò (1m3 = 400). Nguyên lý hoạt động của lò: Đun nước sôi và bốc hơi (bằng củi than), dùng hơi nước để khử trùng. Thời gian đun (củi, than) từ 14-16h/1 nồi hấp.

Cấy giống và ươm

Sau khi hấp xong, để nguội và mang bịch ra khỏi thùng hấp. Giữ bịch ở bên ngoài 3-4 ngày cho nguội hẳn rồi mới cấy giống. Giống thường được nhân bằng thân cây sắn được cắt khúc và chẻ nhỏ, hấp vô trùng sau đó cấy giống vào, toàn bộ thanh cây sắn chứa đầy sợi nấm mộc nhĩ. Chúng được đựng trong các lọ thủy tinh hoặc túi nilông buộc kín.

Gỡ nút bông ở các bịch mùn cưa và lấy một thanh cây sắn đã nhiễm giống mộc nhĩ ấn sâu vào giữa bịch mùn cưa, phải ấn lút hẳn vào bên trong. Sau đó đóng lại bằng nút bông và buộc giấy báo trùm ra ngoài. Mọi việc phải tiến hành thật nhanh, tránh làm dây dưa, dễ gây nhiễm. Sau đó, xếp các bịch đã cấy giống vào giá hoặc xỏ thành xâu để treo lên.

Chỗ để bịch cần sạch sẽ, thông thoáng. Nhiệt độ thích hợp 25-32°C. Thời gian ủ sợi kéo dài 20-25 ngày. Các sợi nấm sẽ mọc loang dần ra cả bịch mùn c­a. Sợi nấm mọc đến đâu thì trắng đến đấy. Khi nào cả bịch mùn cưa trắng như bông thì lúc đó kết thúc giai đoạn ủ sợi và chuyển sang giai đoạn cho mộc nhĩ mọc ra.

Chăm sóc và thu hái

Bào tử (tức là các cánh mộc nhĩ) ­cần điều kiện hiếu khí để phát triển. Vì vậy, dùng dao sắc rạch xung quanh bịch 4-5 vết, mỗi vết dài độ 4-5cm. Lưu ý, chỉ rạch rách túi không được rạch sâu vào cơ chất của túi. Nên rạch theo đường thẳng đứng hoặc theo đường xoắn ốc quanh túi.

Chỉ sau khoảng 1 tuần là mộc nhĩ sẽ mọc ra chi chít tại các điểm rạch đó. Lúc này bắt đầu phun ẩm và phải phun liên tục nhiều lần trong ngày. Không nên xối nước mà nên phun mù bằng bình bơm. Dùng nước sạch để phun. Thấy cánh mộc nhĩ khô nước là lại tiếp tục phun ngay. Không được mở miệng túi nilông để tưới nước vào bên trong. Làm như vậy sẽ gây nên hiện tượng sũng nước và thối sợi nấm. Lượng nước tưới nhiều hay ít phụ thuộc vào thời tiết và khả năng ra nấm. 

Về nguyên tắc, nếu trời nắng nóng thì nấm mọc ra nhiều. Lúc đó phải tưới thường xuyên hơn. Ngược lại, trong điều kiện không thuận lợi, nấm ra thưa, việc tưới nước chỉ cần vừa phải. Độ ẩm không khí trong khu vực này nên luôn luôn giữ ở ngưỡng cao từ 80-95%. ánh sáng khu vực để bịch nấm nên là ánh sáng tán xạ, không nên tối quá. Lượng ánh sáng vừa đủ để ta nhìn rõ cánh nấm để hái. Tránh ánh sáng quá lớn sẽ làm nấm phát triển kém. Độ thoáng của không khí vừa phải. Tránh để gió lùa làm nấm mau héo.

Chỉ sau vài ngày, cánh mộc nhĩ đã lớn tưới kích thước tối đa, có cánh to bằng bàn tay. Lúc này có thể thu hái, chọn những cụm to và hái cả cụm, sau đó tách ra từng cây riêng biệt. Nên thao tác nhẹ nhàng để tránh làm giập nát cánh mộc nhĩ. Nếu bịch làm tốt, quá trình thu hoạch có thể kéo dài liên tục 2-3 tháng. Nên chú ý, sau mỗi đợt thu hái ngừng tưới vài ngày. Làm như vậy thì khi tưới lại, nấm mọc ra vẫn to. Khi thấy bịch nấm nhẹ tênh, tức là nấm đã ra hết, dỡ ra, trộn bã còn lại trong túi với phân cho giun ăn hoặc để làm phân bón cho cây. Hết một đợt trồng mộc nhĩ nên làm vệ sinh cho cả khu vực. Dọn sạch, để khô rồi tiến hành trồng đợt tiếp theo.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here