Cây lục bình hay còn gọi là bèo tây, là thực vật thủy sinh, sống chủ yếu trên các kênh rạch, sông ngòi. Chúng có khả năng sinh nở nhanh chóng, chúng làm tắc nghẽn dòng chảy, cản trở sự đi lại của thuyền bè và gây khó khăn cho hầu hết các hoạt động trên sông. Nếu như trước đây lục bình được xử lý bằng cách với lên phơi khô và đốt bỏ, thì giờ đây nhiều địa phương đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để làm phân bón hữu cơ sử dụng trong nông nghiệp. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con cách tận dụng nguồn lục bình tràn ngập trên sông làm phân bón hữu cơ, mời bà con cùng theo dõi.
Lợi ích sử dụng phân bón hữu cơ từ lục bình
Phân hữu cơ từ lục bình có tác dụng phục hồi lại tài nguyên đất, làm giàu hệ sinh vật, hạn chế bệnh hại trên cây trồng, vì trong phân hữu cơ từ lục bình có chứa lượng lớn vi sinh vật có ích. Để có 1kg phân bón hữu cơ chỉ tốn chi phí gần 1.200 đồng, thấp hơn giá phân hữu cơ vi sinh ngoài thị trường hơn 2.300 đồng/kg, rẻ hơn phân bón hóa học rất nhiều lần. Có thể nói phân bón hữu cơ từ lục bình không những tốt cho cây trồng, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng hàm lượng keo đất, giúp đất tơi xốp màu mỡ, mà còn dễ sản xuất. Sử dụng loại phân này bón cho cây trồng giúp giảm 30% lượng phân hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Cách làm sử dụng lục bình làm phân bón hữu cơ
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
– Cây lục bình: 600 – 700kg, lục bình cần được băm nhỏ trước khi trộn nguyên liệu ủ, bà con có thể sử dụng máy băm nghiền đa năng 3A2,2KW để tiết kiệm thời gian và công sức băm lục bình.
– Phân chuồng hoai mục 300 – 400kg.
– Supe lân 2kg.
– Men Trichoderma hoặc BioVAC (men BioVAC có bán tại Hội Làm vườn các địa phương).
– Bao, bạt để ủ đống.
Bước 2: Ủ đống
– Trộn đều các nguyên liệu lục bình, phân chuồng, supe lân, sau đó trải bao, bạt dưới nền ủ, gom nguyên liệu đã trộn thành đống có đáy 2 x 2m, cao 1 – 1,5m.
– Pha 200 lít nước vào chủng nấm Trichoderma với liều 20 – 50g/tấn phân hữu cơ; nếu dùng men BioVAC thì khoảng 0,5kg/tấn phân hữu cơ.
– Tưới hỗn hợp đã pha lên đống ủ, dùng chân đạp cho đống hữu cơ nén xuống. Sau khi trộn đều dùng bạt nilon đậy kín để giữ ẩm và tưới nước bổ sung hàng tuần, duy trì độ ẩm đống ủ khoảng 70%.
– Khoảng 3 tuần mở bạt, đảo đống ủ, tiếp tục đậy kín tránh để nước mưa. Trung bình ủ từ 1,5 – 2 tháng là có thể sử dụng được.
Bà con có thể kết hợp cây lục bình, thân cây đậu, ngô… với bã thải từ hầm khí biogas (khoảng 300 – 400kg cho 1 tấn phân hữu cơ) và men BioVAC ủ trong 45 ngày dùng để làm phân hữu cơ vi sinh, nếu không tính công đi thu gom phế thải nông nghiệp và bã từ hầm biogas thì bà con chỉ tốn khoảng 75.000đ mua men BioVAC là đã có một tấn phân bón cho cây trồng tốt. Sản phẩm là một đống hỗn hợp tơi xốp, màu đen nâu và có giá trị dinh dưỡng cao.
Việc tận thu nguồn nguyên liệu thiên nhiên dồi dào có sẵn tại địa phương, là cây lục bình để làm phân hữu cơ vi sinh từng bước giúp hạn chế sự mất cân bằng sinh thái, do thói quen sử dụng phân hóa học và góp phần bảo vệ môi trường.